Với khát vọng làm giàu, ông Lê Văn Ảnh, ở thôn Tân An, xã An Tân (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đã mạnh dạn đổi mới cách thức làm ăn, áp dụng KHKT để xây dựng thành công mô hình nuôi chim yến. Đến nay, gia đình ông Ảnh đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên quê hương.
Cuối năm 2018, tham quan mô hình nuôi chim yến ở tỉnh Gia Lai, nhận thấy đặc điểm địa hình, khí hậu ở đây tương tự gần giống với An Lão, đồng thời, được người bạn chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim yến lấy tổ, ông Ảnh quyết tâm học hỏi kinh nghiệm để tổ chức nuôi chim yến.
Đến giữa năm 2019, ông đầu tư 700 triệu đồng làm nhà nuôi yến tại khu đất vườn đồi của gia đình.
Ông Ảnh thuê kỹ sư từ Gia Lai về xây dựng nhà yến với quy mô hơn 300 m2 sàn. “Trong năm đầu, tôi tập trung tạo không gian tự nhiên, dẫn dụ chim yến.
Với 300 m2 sàn, nhà nuôi của tôi có thể thu hút 5.000 con yến về làm tổ. Giữa năm 2021, tôi bắt đầu thu hoạch tổ yến, trung bình mỗi tháng được chừng 2 kg yến thô trị giá khoảng 25 triệu đồng/kg” – ông Ảnh chia sẻ.
Ông Lê Văn Ảnh, nông dân nuôi chim yến ở xã An Tân, huyện An Lão, tỉnh Bình Định trực tiếp chế biến sản phẩm yến sào để cung cấp cho khách hàng. Ảnh: DIỆP DIỆU.
Thấy mô hình đạt hiệu quả khá, cuối năm 2021, ông Ảnh tiếp tục đầu tư 800 triệu đồng xây thêm một nhà yến nữa với gần 400 m2 sàn. Với hàng nghìn con chim yến về sinh sống và làm tổ ổn định, mỗi năm bình quân ông Ảnh thu được từ 30 – 36 kg yến thô.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim yến, ông Ảnh cho biết: Do yến tự kiếm ăn từ nguồn thức ăn thiên nhiên nên người nuôi không gặp khó ở khâu này.
Diệp Thị Diệu (Báo Bình Định)